Pi – Tiềm năng và rủi ro?
Các loại tiền số xuất hiện những năm gần đây bị bơm giá, rồi xả như rác bởi các cá mập nhằm thao túng trục lợi . Đồng Pi được rất nhiều người Việt quan tâm có nằm trong số này?
Không chịu lên sàn
Pi xuất hiện vào năm 2019. Đến những ngày cuối cùng của năm 2022, có 12 sàn tiền điện tử trên thế giới rao việc niêm yết cặp Pi với đồng USDT. Điều này đã làm dậy sóng giới tiền số toàn cầu.
Tuy nhiên sự thật là các sàn đang tạo ra đặt cược tương lai nhằm thu hút thêm người dùng Pi đến với sàn của họ. Bởi cộng đồng Pi rất đông đảo khi có đến hơn 35 triệu người dùng ở 230 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 100 ngôn ngữ trong các phòng chát của Pi.
Thông báo của các sàn tiền điện tử đã làm Pi hót hòn họt: ban đầu mỗi Pi được định giá 20 USD, rồi lên 50 đô, 70 đô, 100 đô, rồi vọt lên 314 đô và còn lên 350 đô.
Tuy vậy, nhà phát triển Pi sau đó không ngần ngại tạt một gàu nước lạnh: “Pi đang ở giai đoạn mạng kèm theo và không được niêm yết trên bất kỳ sàn giao dịch nào. Bất kỳ danh sách trái phép nào cũng có thể không hoạt động trên Pi thực. Do đó, hãy hạn chế tham gia để tránh bị lừa đảo”.
Động thái này được những người ủng hộ Pi ca ngợi như một hành động “chính nghĩa”: Lần đầu tiên trong lịch sử tiền điện tử, một đồng tiền không chịu lên sàn để bảo vệ cộng đồng, bảo vệ tính toàn vẹn của lộ trình không gọi vốn mà phải xây dựng chi tết nhằm mục đích sử dụng khả dụng với đời thật cũng như bảo vệ cấu trúc của nó an toàn tuyệt đối.
Ông Dương Hiển Dũng (TPHCM), một chuyên gia đầu tư tiền số, đánh giá: “Trong giai đoạn mainnet kín Pi, sẽ có một tường lửa để ngăn mọi kết nối bên ngoài, đó là sự nhòm ngó của các dự án cầu nối, các sàn giao dịch. Tường lửa nhằm mục đích Pi có thời gian hoàn thành KYC (biết khách hàng của bạn) nhằm chống gian lận, rửa tiền, khủng bố… Mọi giao dịch đều thông qua ví Pi của Pioneer đã được KYC mới thật sự là an toàn”.
Vấn đề pháp lý?
Theo những người ủng hộ, Pi là đồng tiền điện tử duy nhất cho đến nay không huy động vốn, không yêu cầu người dùng bỏ bất cứ tài sản nào mà dựa vào sự mẫn cán của cộng đồng đề tạo đồng thuận, xây dựng sự phi tập trung lớn nhất và áp dụng vào đời thực nhất các ứng dụng của nó mà người bình dân cũng hiểu sơ qua.
Họ cũng cho rằng tính pháp lý của Pi “tuân thủ luật pháp các địa phương ở mức độ toàn cầu”; và blockchain Pi đang là hình mẫu không phá hoại môi trường như những thuật toán “cổ đại” của những đồng tiền điện tử khác, do đó có tiềm năng phù hợp với tìm kiếm của các chính phủ trong tương lai.
Tại Việt Nam, Quyết định 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy sử dụng công nghệ số, kỹ thuật số thông qua blockchain và nhiều lĩnh vực như dịch vụ ngân hàng, sản xuất công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, kinh tế, bán lẻ, tiêu dùng…
Tuy nhiên, luật về tiền mã hóa (cryptocurrency) của Việt Nam hiện nay chưa có. Điều này là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư tiền điện tử nói chung ở Việt Nam.
Tại Mỹ, Pi không vi phạm bất cứ điều luật nào và đã được cấp phép, là một thuận lợi đáng kể.